Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT Hoàng Nam Tiến phân tích về cục diện “cuộc chiến việc làm” đang diễn ra: công nhân mất việc vào tay rô-bốt, thư ký không còn cần thiết khi có trợ lý ảo…
Nhiều công ty lọc bớt công nhân sau khi dùng rô-bốt trong dây chuyền tự động. Thư ký, giao dịch viên… không còn cần thiết khi có trợ lý ảo. Ngay cả nghề đặc thù như giáo viên cũng có thể bị thay thế trong thời đại AI (trí tuệ nhân tạo). Ông Hoàng Nam Tiến – Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT phân tích về cục diện “cuộc chiến việc làm” đang diễn ra.
Trong một thập kỷ qua, thế giới đã chứng kiến tốc độ phát triển cấp số nhân của khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc đổ bộ của AI vào mọi lĩnh vực đời sống. Làn sóng này tác động tích cực đến tốc độ phát triển của nhiều ngành nhưng cũng đe dọa một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động, nhất là các lao động ở mảng công nghiệp, lao động chân tay dễ bị máy móc thay thế…
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), sẽ có khoảng 800 triệu người trong tổng số 4 tỷ người ở lứa tuổi lao động vào năm 2030 sẽ bị mất việc vào tay rô-bốt. Một nghiên cứu khác về ứng dụng rô-bốt ở 46 quốc gia và 800 ngành nghề của Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey (MGI) đã xác định 1/5 số lao động là công nhân làm các việc giản đơn, dập khuôn theo lập trình sẽ bị thay thế.
Tại Việt Nam, dù chưa có thống kê đầy đủ nào về hiện trạng lao động bị thay thế bởi công nghệ trong thời gian qua, nhưng việc các doanh nghiệp chọn đầu tư công nghệ rô- bốt, trí tuệ nhân tạo… để tối ưu hóa sản xuất và các nguồn lực, trong đó có nhân công, đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Thực tế này khiến một lực lượng nhân sự bị đào thải khỏi quy trình sản xuất, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho đời sống của “những người bị thay thế” cũng như tình hình kinh tế – xã hội.
Trước thực trạng này, phóng viên Dân trí có cuộc trao đổi với ông Hoàng Nam Tiến – Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT, về những tác động của AI tới hoạt động kinh tế – xã hội và thị trường nhân lực.
Thưa ông, sau blockchain (công nghệ chuỗi), big data (dữ liệu lớn), làn sóng AI đang tràn tới Việt Nam, với “sức công phá” mạnh mẽ. AI tác động như thế nào đến các lĩnh vực trong đời sống, đặc biệt là tới cung – cầu lao động – việc làm, thưa ông?
– Trong thời gian vừa qua, trên các phương tiện truyền thông, hội thảo, báo chí, qua các chuyên gia hàng đầu cũng như “chuyên gia mạng”, chúng ta đã nghe rất nhiều về trí tuệ nhân tạo và điều này tác động mạnh mẽ đến mỗi người. Thế nhưng, thực tế việc ứng dụng công nghệ này không được bao nhiêu.
Có thể nhận định, một số ngành đã đi trước khi có trào lưu và giờ là lúc họ tiến nhanh hơn nữa!
Đầu tiên phải kể đến 2 lĩnh vực đi đầu trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo là ngân hàng và tài chính, đã ứng dụng chat bot (máy hội thoại), voice bot (rô-bốt giọng nói) trước khi có Chat GPT. Ngân hàng đã sử dụng AI chạy trên các nền tảng dữ liệu rất lớn, còn mảng tài chính thì áp dụng thuật toán scoring – hệ thống tự chấm điểm uy tín khách hàng khi xử lý các đề xuất vay tiền. Chính scoring đã tạo bước đột phá, như quá trình giải quyết các khoản dưới 10 triệu đồng có thể thực hiện chỉ trong vòng 10 giây. Trước đây, hầu hết các ngân hàng không làm được việc này!
Trong lĩnh vực marketing (quảng bá, tiếp thị), hầu hết các sản phẩm doanh nghiệp làm ra hiện nay đều đã có sự can thiệp của trí tuệ nhân tạo. Ở mức thấp nhất là dùng các công cụ AI tham gia vào việc tạo lập dự án, ý tưởng, kịch bản hình ảnh, video marketing… Những ChatGPT, Gemimi, Midjourney… cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ với mức kinh phí hạn hẹp tham gia được các sân chơi lớn hơn.
Trong lĩnh vực học thuật, gần đây, tôi phát hiện ngày càng có nhiều bài báo được thực hiện bằng Chat GPT. Một thực tế khác nữa, trong khi giáo viên, giảng viên đại học chưa kịp thay đổi, thích ứng, học sinh và sinh viên gen Z, gen Alpha đã biết sử dụng Chat GPT để làm bài tập về nhà nhanh gọn, chỉ trong 1-3 phút.
Hàng loạt doanh nghiệp lớn trước đây tỏ ra hoài nghi, chỉ đứng ngoài quan sát đến nay đều đã chủ động ứng dụng kết quả của trí tuệ nhân tạo vào sản xuất. Dễ dàng nhất là việc sử dụng RPA (Robotic Process Automation – tự động hóa quy trình bằng rô-bốt) trong công tác kế toán, tài chính, văn phòng, hành chính nhân sự… nhằm tăng năng suất, rút bớt thời gian, giảm chi phí và giảm nhân lực ở mức độ lớn.
Điển hình, RPA đã giúp giảm 80% công việc kế toán, hành chính nhân sự, 40% nhân viên liên quan đến marketing, 30% seller… Đó là những con số ước đoán nhưng rất gần sự thật.
Thực tế, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều đã chủ động đưa rô-bốt vào nhà máy Việt Nam. Trong làn sóng sa thải thời gian qua, lượng lớn công nhân rơi vào tình trạng này do giảm đơn hàng, còn lại là mất việc vào tay… rô-bốt thông minh. Sự thật, khái niệm Dark Factory (nhà máy không ánh đèn) đã hình thành. Một trong những doanh nghiệp hiện đi đầu ứng dụng rô-bốt là Vinfast, bằng việc trang bị khoảng 1200 rô-bốt do ABB sản xuất.
Điểm qua để thấy diễn biến quan trọng với thị trường khoa học công nghệ, khi các nhà khoa học trí tuệ nhân tạo, công nghệ dữ liệu được đối xử hoàn toàn khác xưa. Những vấn đề trước đây chỉ đưa ra bàn hội thảo, để… nghe và vỗ tay nay đã được nghiêm túc đặt trong chương trình ứng dụng năm 2024.
Với doanh nghiệp của chúng tôi, cách đây đúng 10 năm – 2013, FPT Software đã lựa chọn AI là một trong 5 chương trình chủ chốt trong hoạt động nghiên cứu công nghệ để phát triển kinh doanh. 5 năm trước, Chủ tịch FPT group Trương Gia Bình một lần nữa nhấn mạnh AI là cốt lõi. Vừa qua sau khi khảo sát một loạt doanh nghiệp, tôi càng giật mình trước những dự đoán từng đưa ra.
Tại FPT, chúng tôi đã xây dựng nền tảng DC5 (Digital Conglomerate 5.0) với sứ mệnh kiến tạo hạnh phúc cho mỗi con người, thành công cho mỗi tổ chức và cao hơn nữa là hưng thịnh cho quốc gia. Trong đó, cốt lõi của DC5 là dựa trên nền tảng dữ liệu trí tuệ nhân tạo AI để định danh từng khách hàng.
Nhờ nền tảng này, chúng tôi đảm bảo mỗi khách hàng sẽ sở hữu trải nghiệm hoàn toàn riêng biệt. Việc này đồng nghĩa với chuyện không còn những khái niệm cũ như phân khúc khách hàng, khách hàng mục tiêu giờ đã là thời kỳ của siêu cá nhân hóa khách hàng (super customer).
Chúng tôi tin rằng, ai làm chủ trí tuệ nhân tạo sẽ là người chiến thắng trong việc chinh phục và giữ chân khách hàng, tạo nên những trải nghiệm tốt đẹp nhất!
Ông vừa đề cập chuyện những công nhân “mất việc vào tay” rô-bốt, chuyện thực tế lượng nhân lực trình độ trong hệ thống kế toán, tài chính, marketing… cũng có thể giảm mạnh với RPA. Vậy còn sự đe dọa của AI đến nhu cầu việc làm ở tương lai gần như nhiều cảnh báo vừa qua?
– Thực tế hiện nay, chúng ta đang chứng kiến hàng triệu lao động, đặc biệt là lao động phổ thông, công nhân lắp ráp trong nhà máy bị thay thế bởi rô-bốt, nhất là khi hàng loạt rô-bốt công nghiệp trị giá hàng triệu USD giờ giá chỉ còn từ 1/8 đến 1/10.
Với trí tuệ nhân tạo, các công việc liên quan đến bộ máy hành chính như hành chính nhân sự, kế toán… đã thấy ảnh hưởng ngay từ khi vừa áp dụng. Thậm chí ngay cả nghề lập trình, testing (kiểm thử) của chúng tôi đã có 30-40% công việc chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Với hiện trạng này, chúng ta có 2 cách ứng xử.
Đầu tiên là biện pháp ngăn sông cấm chợ, bế quan tỏa cảng. Tiêu biểu của xu hướng này, mới đây các nhà khoa học trên thế giới, trong đó có cả Elon Musk – ông chủ hãng xe điện Tesla – vừa kiến nghị tạm ngưng phát triển trí tuệ nhân tạo trong 6 tháng vì có thể không thể kiểm soát được tốc độ phát triển của thực thể này.
Cách thứ hai tôi thường chia sẻ đó là biến AI trở thành “con sen” trong công ty của mình. Tôi thấy một hình ảnh rất hay từ lịch sử nước ta. Mỗi mùa lũ lụt luôn mang lại thảm họa khủng khiếp đối với người dân. Trước đây, miền Bắc chọn cách đắp đê ngăn lũ, đê cứ cao mãi, cánh đồng thì ngày càng bạc màu theo. Ở Tây Nam Bộ, người dân lại chọn cách sống chung với lũ, coi đó là nguồn lợi, lũ đem đến phù sa, tôm cá, cuộc sống ấm no.
Tất nhiên, tôi khẳng định cách đắp đê chống lũ tại miền Bắc không sai, bởi tôi hiểu địa hình miền Bắc và miền Nam khác nhau nên có cách xử lý khác nhau. Địa hình miền Bắc rất dốc, lũ quét nhanh, phá hoại lớn chứ không như miền Tây nước dâng lên từ từ, vì vậy đắp đê là tối ưu nhất.
Trong cuộc hội thảo mới đây, ông nhắc đến cụm từ “useless class” (những kẻ vô dụng) và cho rằng đây là tầng lớp đầu tiên sẽ bị đào thải trong giai đoạn trí tuệ nhân tạo làm chủ. Chúng ta nên định vị đó là ai và cần làm gì để tồn tại trong thời đại AI?
– Thuật ngữ “useless class” được nhà sử học Yuval Noah Harari (tác giả cuốn sách Lược sử loài người) đưa ra năm 2017. Ông dùng thuật ngữ này, thay cho từ unemployee (người thất nghiệp) để chỉ những cá nhân làm việc trong những ngành nghề chuyên môn sẽ nhanh chóng bị trí tuệ nhân tạo thay thế.
Nếu trước đây, “tầng lớp vô dụng” được xác định là các lao động phổ thông, lao động chân tay, dễ mất việc thì nay, trí tuệ nhân tạo và cognitive computing (máy tính nhận thức) còn đe dọa đến cả tầng lớp lao động tri thức, có học và đã có thâm niên làm việc.
Theo góc nhìn của Harari, họ không chỉ “vô dụng” vì bị loại bỏ khỏi đời sống kinh tế, mà còn “vô dụng” trong hoạt động chính trị và xã hội, thậm chí “vô dụng” khi về đến gia đình, do vai trò kinh tế giảm sút, đồng thời vai trò tại các cộng đồng khác cũng phần nhiều bị thay thế sự tác động của công nghệ trong vai trò một trợ lý cho đời sống cá nhân.
Điều này đặt ra thực tế là một nữ kế toán cần mẫn, một giao dịch viên giọng chuẩn, một người làm hành chính nhân sự… dù đã “ngồi vững” 20 năm vẫn dễ dàng bị thay thế. Dẫn chứng nhỏ, các ngân hàng với cam kết hoàn thành chuyển đổi số đến năm 2025, đảm bảo nền tảng cho mọi giao dịch trên điện thoại, máy tính thì các giao dịch viên ngân hàng còn cần thiết?
Ngay cả những nghề nghiệp đặc thù như giáo viên cũng đứng trước nguy cơ này. Bất kỳ người nào cũng có thể tạo ra các video từ ứng dụng AI để phổ biến cho người học trên nền tảng mạng nên về lý thuyết, kiến thức phổ thông hoàn toàn không phụ thuộc vào hàng triệu giáo viên, tính riêng tại Việt Nam, như trước nay nữa.
Và một bài toán lớn đặt ra, nhà nước và xã hội cần đào tạo lại với nhóm đối tượng này, thậm chí, phải điều chỉnh chương trình giảng dạy, cập nhật kiến thức với nhóm lao động mới sắp ra nhập thị trường để họ nắm bắt cơ hội và thích nghi nhanh với công việc.
Nói đến chuyện “biến AI thành con sen”, vậy theo ông, những ai có đủ khả năng vẫn giữ được công việc, “vị thế ông chủ” của mình?
– Theo dự báo, đến năm 2030, 50% người lao động trên thế giới là Gen Z, 80% giao dịch mua hàng trên thế giới do Gen Z thực hiện. Có một điều tôi thấy rất may mắn, thế hệ Gen Z ngày nay hiểu biết và áp dụng nhanh chóng các thành tựu khoa học công nghệ.
Cộng với sự lên ngôi của Generative AI (trí tuệ nhân tạo tổng quát), tôi tạo công thức vui: GEN AI + GEN Z = X.Human.
Những X.Human này chính là thế hệ Gen Z trong tương lai – những người “không khiếp sợ trí tuệ nhân tạo”, mà còn xem nó như người bạn, người đồng hành và người thầy của mình.
Nhân sự Gen Z này cần làm gì để bắt kịp xu thế, tạo cơ hội cho chính mình từ sự đe dọa của trí tuệ nhân tạo, thưa ông?
– Tôi không trả lời hết câu hỏi này. Mỗi nhân lực trẻ, sắp bước chân vào thị trường lao động cần tự chịu trách nhiệm với bản thân. Ai cũng cần biết, cần xác định, kiến thức ngay hôm nay đang học ngày mai đã có thể trở thành lạc hậu.
Như vậy, việc tự học, tự nghiên cứu và phát triển bản thân là phẩm chất quan trọng nhất để mỗi cá nhân không bị biến thành những người lỗi thời. Ở doanh nghiệp của chúng tôi, đây luôn là nguyên tắc cốt lõi, là phẩm chất được xây dựng cho nhân lực trẻ, chứ không phải nhồi nhét càng nhiều kiến thức càng tốt.
Và tất nhiên, bên cạnh đó thì nhà trường, giáo sư, giảng viên cũng phải thay đổi chính mình trong cách dạy, tổ chức đào tạo.
Với những người trên hành trình đi đầu thị trường, khơi mở xu hướng, dẫn dắt thế hệ “dị nhân” (với ý nghĩa là người có năng lực, phẩm chất vượt trội) như ông, như các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, áp lực cạnh tranh với những công cụ thay thế hẳn là cũng không nhỏ. Điều kiện nhất định phải có, ngoài việc “không sợ AI”, thưa ông?
– Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp xưa thường đưa ra quyết định dựa trên kinh nghiệm, trải nghiệm, việc liên tục học hỏi và nhờ trực giác lãnh đạo… Đến thời đại khoa học công nghệ hiện nay, nhà lãnh đạo có thêm một cơ sở nữa, xác thực, để đưa ra quyết định, là dựa trên nền tảng dữ liệu (data driven business).
Để các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hiểu, nắm bắt và làm chủ nguồn dữ liệu vô cùng lớn ngày hôm nay, dựa vào dữ liệu để đưa ra quyết định hiệu quả thì không thể phớt lờ vai trò của trí tuệ nhân tạo trong việc xử lý, phân tích dữ liệu.
Vì vậy, quan điểm của tôi là một trong những điều bắt buộc của lãnh đạo thời đại mới là phải hiểu công nghệ, hiểu AI để giúp doanh nghiệp của mình tồn tại, quản trị doanh nghiệp hiệu quả và tạo ra những đột phá về kết quả kinh doanh.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi thú vị!
Thiết kế: Đức Bình
Nội dung: Huy Hậu– Báo Dân Trí