RWAs (Real World Assets) có vẻ là một trong những xu hướng phát triển chính của thị trường sắp tới. Đầu tháng 3/2023, Amazon thông báo phát hành NFTs gắn liền với Real World Assets (RWAs). Ở dự án MakerDAO, doanh thu từ RWAs cũng chiếm 56.7%.
Được nhiều tổ chức lớn trên thế giới chú ý cùng tiềm năng phát triển to lớn, RWAs sẽ có xu hướng phát triển trong tương lai như thế nào?
Stablecoin tiếp tục mở rộng
RWAs (mã hóa tài sản thực) thật ra đã xuất hiện trong thị trường crypto từ rất lâu. Stablecoin là sản phẩm RWAs đầu tiên với giá trị dựa trên tiền pháp định USD (fiat-backed stablecoin). Kể từ khi ra mắt vào 2014, stablecoin ngày càng phát triển mạnh và trở thành nền tảng của thị trường crypto.
Phần lớn stablecoin lưu hành trên thị trường hiện nay là USDT, BUSD hay USDC, có giá trị gắn liền với đồng USD. Bên cạnh USD, có rất nhiều quốc gia trên thế giới đang phát triển CBDC của riêng mình, có giá trị gắn liền với đồng tiền tệ của quốc gia mình. Nếu những CBDC này phát triển mạnh và được chấp nhận rộng rãi, điều này có thể giúp thị trường stablecoin trở nên đa dạng và lớn mạnh hơn hiện tại.
Tài sản thực được mã hóa nhiều hơn
Theo J.P. Morgan, một trong những tổ chức tài chính lớn nhất thế giới, việc mã hóa tài sản thực thành token đã thúc đẩy sự gia tăng của thanh toán và giao dịch điện tử. Đây cũng là mảng đầy tiềm năng, mang lại nhiều cơ hội kinh doanh mới.
Điều này giúp những tài sản có thanh khoản thấp dễ dàng được giao dịch hơn. Sự minh bạch của blockchain cũng cho phép giao dịch với các quy tắc kinh doanh và logic. Dự kiến trong tương lai, các sản phẩm như bất động sản, tranh nghệ thuật, xe hơi, vé sự kiện… đều sẽ được token hóa thành RWAs. Những tài sản này có thể được mã hóa dưới dạng NFT, cho phép nhiều nhà đầu tư cùng tham gia giao dịch.
Các tổ chức tài chính truyền thống tăng cường ứng dụng RWAs
Ngân hàng Trung ương Singapore là một trong những tổ chức tài chính đầu tiên trải nghiệm RWAs với dự án Project Guardian vào năm 2022. Dự án này sử dụng các phiên bản fork của Aave và Uniswap trên Polygon để mã hóa ngoại hối và trái phiếu chính phủ.
Vào tháng 2/2023, công ty công nghệ Siemens cũng phát hành trái phiếu kỹ thuật số trị giá 60 triệu Euro trên mạng chính Polygon.
BlockTower, một tổ chức tài chính truyền thống chuyên đầu tư mạo hiểm, bảo lãnh phát hành tín dụng và quản lý danh mục đầu tư cũng tham gia vào hệ sinh thái RWAs. Tháng 1/2023, tổ chức này đã hợp tác cùng MakerDAO và Centrifuge, mang thêm 220 triệu USD vào thị trường DeFi.
Đáng chú ý, Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum) đã dự đoán trước 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ được lưu trữ trên công nghệ chuỗi khối (blockchain) vào năm 2027. Trong đó, phần lớn là khoản vay dựa trên trị giá nhà ở (home equity). Như vậy, bất động sản có khả năng sẽ chiếm phần lớn hệ sinh thái RWAs trong tương lai.
Có thể thấy, các tổ chức tài chính sẽ ngày càng thâm nhập sâu vào thị trường DeFi thông qua mảng RWAs. Các tài sản được mã hóa nhiều nhất có thể là bất động sản, trái phiếu, siêu xe…
Xuất hiện Layer 1 RWAs
Hiện các dự án RWAs đều được triển khai trên các Layer 1 blockchain như Ethereum hay BNB Chain. Điều này khiến các dự án RWAs gặp nhiều vấn đề về cơ sở hạ tầng và kỹ thuật.
Cụ thể, các blockchain công khai (public) như Bitcoin và Ethereum không bị hạn chế bởi các quy định. Trong khi đó, RWAs như bất động sản, tài sản nợ hay trái phiếu phải tuân thủ các quy định của chính phủ hay yêu cầu người dùng KYC để thực hiện giao dịch.
Vì lý do đó, các dự án RWAs đang hạn chế quyền quy cập của người dùng để tuân thủ quy định, chẳng hạn như whitelist (danh sách trắng) ví một cách thủ công, hạn chế giao diện người dùng, kiểm soát quyền truy cập bằng token… Điều này hạn chế tiềm năng phát triển của RWAs.
Tính minh bạch của blockchain cũng là điểm yếu cho RWAs vì một số dự án có thông tin nhạy cảm cần được giữ bí mật. Chẳng hạn, người bán tranh nghệ thuật quý giá có thể không muốn cho thế giới biết được bức tranh ấy ở đâu vì có thể bị đánh cắp.
Vì lý do đó, trong tương lai các Layer 1 RWA Chains có thể được phát triển tùy chỉnh để phù hợp hơn cho thị trường này.
Hiện tại, Intain đã triển khai mạng con Avalanche dành riêng cho việc phát hành token được hỗ trợ bởi chứng khoán. Dự án cũng đã ra mắt IntainMARKETS, một thị trường on-chain cho phép giao dịch những chứng khoán được token hóa.
Đổi mới quy định pháp luật
Các quy định về quản lý token và chứng khoán hóa tài sản thế giới thực trên thế giới vẫn chưa được phát triển đầy đủ. Hiện chỉ có một số nước như Thụy Sĩ hay Pháp đã có quy định rõ ràng về mối liên hệ giữa DeFi và TraFi. Quy định pháp luật càng rõ ràng, RWAs càng phát triển.
Bên cạnh đó, các cơ chế thực thi bảo vệ giá trị RWAs còn chưa tốt. Chẳng hạn, trong trường hợp người đi vay không trả được nợ và phải thanh lý tài sản RWAs của mình. Nếu RWAs này không phải là token ERC-20 có thanh khoản cao thì việc thanh lý sẽ gặp khó khăn. Do đó, cần phát triển quy trình thanh lý cụ thể với cơ chế thực thi ràng buộc pháp lý để đảm bảo an toàn cho người cho vay.
Tổng kết
Công nghệ blockchain ngày càng chứng minh khả năng của mình khi bắt đầu gia tăng ảnh hưởng trong thế giới thực. RWAs là thị trường có tiềm năng phát triển rất cao khi gắn liền với tài sản thực. Nếu có thể giải quyết những vấn đề hiện tại như cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, pháp lý… RWAs sẽ trở nên ngày càng phổ biến hơn trong thế giới DeFi.